Saturday, December 15, 2018

THÁNG MƯỜI HAI YÊU THƯƠNG

THÁNG MƯỜI HAI YÊU THƯƠNG
Thơ Trịnh Thanh Hằng

Đông nhẹ đến đan cài cơn gió bấc
Cánh môi hồng trong tê tái run run
Nép vào đêm lạnh lẽo chút mưa phùn
Em bé nhỏ trong vòng tay khao khát
Thu đã xa phải chăng cơn gió mát
Chỉ còn là những hoài niệm mà thôi
Khẽ khàng rơi chiếc lá cuối bên đời
Chiều bỗng tím như chưa bao giờ tím
Tháng mười hai rét cắt da ngọt lịm
Thương rất nhiều em mình hạc sương mai
Nắm tay nhau đi cả đoạn đời dài
Chợt bừng tỉnh hóa ra là quá ngắn
Tháng mười hai mặt trời không muốn lặn
Đêm rất dài ngày lại ngắn tày gang
Cho cơn say chẳng tỉnh giấc nồng nàn
Vầng dương sáng trộm nhìn qua khe cửa
Tháng mười hai anh sẽ về thắp lửa
Nguyện một đời sưởi ấm trái tim em
Năm cũ qua ta đóng cửa khép rèm
Dồn nhựa sống đón chào năm mới đến
Ngủ ngon nhé thuyền sẽ không rời bến
Mãi đong đầy như con nước ngoài khơi
Ở ngoài kia dẫu mưa gió tơi bời
Anh mãi nguyện lửa hồng xua băng giá

ĐÁNH THỨC XUÂN THÌ




ĐÁNH THỨC XUÂN THÌ

Giọt mưa đỏng đảnh chiều
Đánh thức xuân thì dậy
Mở lòng thương giọt nắng
Ngủ đậu mấy mùa yêu

Trăng khuất xa từng đêm
Nỗi buồn rơi thật thấp
Ta hao mòn cơn mộng
Em rất mới khát thèm

Ma mị chút hồng phai
Cây tương tư trổ nhánh
Non tơ thêm cơn mộng
Tình đậu rộng hai vai

Hoàng Chẩm
Hà Nội 25-06-2017

TÌM LẠI!

TÌM LẠI! 
Thơ Hoàng Hôn
Tôi về 
lại cuối mùa thu
Tìm trong gió lạnh
sương mù
dáng em

Tìm trong
mưa rớt bên thềm
Chút hương của nắng
êm đềm
vấn vương
Tìm trong
những nỗi nhớ thương
Sợi tình trăn trở
vô thường nắng mưa
Tìm trong
kỷ niệm ngày xưa
Của tôi
một thuở
chưa vừa lòng em
Em như
giọt nắng bên thềm
Như quỳnh hương
nở giữa đêm thu hồng!...

Hãy đứng lên em ơi




HÃY ĐỨNG LÊN EM ƠI
Thơ Tống Thu Ngân

Em tôi vừa trượt ngã
Ở triền dốc cuộc đời
Hãy đứng lên em ơi
Dẫu còn đau nhiều lắm

Em tôi vừa lặng ngắm
Buổi hoàng hôn cuộc đời
Hoa hồng cho đi hết
Chỉ còn lại tim thôi

Tình yêu có đầy vơi
Cũng chỉ là hư ảo
Như một miền thạch thảo
Dưới mặt trời nghiêng nghiêng

Hãy đứng lên em ơi
Hãy làm lại cuộc đời
Giữa chiều nghiêng nắng quái
Hãy đứng lên em ơi

Em đã làm được rồi
Hoa hồng kia vẫn nở
Cuộc đời vẫn như thơ
Hoa nghiêng trên triền dốc

Em sẽ không cô độc
Hãy mở rộng vòng tay
Mỉm cười với tương lai
Con đường mình đi tới

Hãy tô thêm chút son
Phấn hồng trên đôi má
Đời là câu chuyện lạ
Hoa hồng vẫn rất tươi

Em ơi hãy mỉm cười
Mang đôi giày cao gót
Nhún nhảy trong chiều nay
Để cầm chắc tương lai

Đời là con dốc dài
Ta trượt đến tương lai
Hoa hồng vẫn chưa phai
Ta chưa bao giờ khóc

Hãy đứng lên em ơi
Hãy ngước mắt nhìn đời
Hoa hồng đà nở rộ
Ôm vào lòng em tôi...

TỐNG THU NGÂN 1030

Friday, December 14, 2018

VỠ ĐÊM MỘT HỒN NHIÊN





VỠ ĐÊM MỘT HỒN NHIÊN
 Hoàng Chẩm

Bất chợt một tiếng đêm
Ùa vỡ những ngọt mềm
Luồn tay tìm trăng vỡ
Gối tình say...ru êm

Bờ vai nghiêng buồn đau
Lụa là nghiêng bên nhau
Gối tay tìm cơn mộng
Thương em một úa nhàu

Đành thôi...một đường xa
Ta bên nhau lòng hoa
Nỗi buồn rơi xuống thấp
Vô cùng đêm chưa qua.

Vỡ đêm một hồn nhiên
Sương khuya đẫm dáng hiền
Đan tay nuôi tình nhớ
Tình trong nhau vô biên

23-01-2018

HY VỌNG

HY VỌNG
Thơ Hồ Viết Bình


Ngày mai đá trận lượt về
Mã lai họ đã quyết thề thắng ta
Việt Nam dù đá sân nhà
Mã lai quyết chí chắc là thắng to
Tuyển việt Nam đừng quá lo
Hàng vạn khán giả reo hò trên sân
Đội khách sợ hãi bần thần
Lên bóng không được, luần quần giữa sân



Quang Hải, Công Phượng nhanh chân

Cướp ngay quả bóng tiến gần cầu môn
Thủ môn đội bạn hết hồn
Bóng vào liên tiếp thua dồn rất đau
Hiệp hai ông Par hang seo
Dặn dò cầu thủ đá theo ý đồ
Đưa thêm cầu thủ khoẻ vô
Vừa công vừa thủ điểm tô muôn màu
Hiệp hai kết thúc thật mau
Mười năm ta lại đổi màu huy chương.
HVB.

ANH CÒN NHỚ


ANH CÒN NHỚ
Thơ Lan Thanh

Anh còn nhớ mùa đông năm ấy
Tuổi ấu thơ ríu rít bên bà
Ổ lá, ổ rơm ấm lòng, ấm cả hồn ta
Mặc gió bấc đùng đùng ngoài cửa

Chúng mình lớn lên, bà không còn nữa
Kỷ niệm xưa trăn trở mỗi đông về
Cây khế bà trồng xum xuê bóng lá
Thảo thơm quả chín thấu tình quê

Hà Nội giữa đông cái lạnh tái tê
Trời Sài Gòn giăng ca nắng mật
Em muốn san chút gió mùa đông bắc
Gửi đến anh cho anh vợi nỗi nhớ nhà

Noel cập kề, anh còn nhớ cái tuổi hoa
Đất phương nam thân thiết với anh rồi, nhỉ
Hà Nội - Sài Gòn, chỉ hai giờ bay, vụt cái
Anh ơi, về với mẹ an lành

Quê mình vào đông hồng tươi muôn sắc
Hoa đào đang muốn nụ chờ anh
Cúc trà my hấp hé triền đê
Ngõ phố mình chờ anh vào Tết..

(Viết trong lúc bay tối 12-12-2018)

CÓ MỘT THỜI


CÓ MỘT THỜI
Thơ An Giang Bùi

Có một thời ta chẳng thể nào quên
Có một thời đã in sâu vào nỗi nhớ
Có một thời hãy còn đang dang dở
Có một thời ta giữ đến hôm nay.

Có một thời hạnh phúc đến ngất ngây
Nhìn mây trắng tưởng mình đang bay lượn
Nhìn sóng biển thấy lòng mình cuồn cuộn
Nghe gió về tưởng khúc hát chiều say.

Ta nhớ hoài ngày ấy mến thương ơi
Khi đêm về ta nhớ trong khắc khoải
Hình bóng người in trong ta đậm mãi
Mái tóc thề còn buông xoã ngang vai.

Đến bây giờ nỗi nhớ chẳng nguôi ngoai
Rồi từng đêm vẫn về trong giấc mộng
Ánh mắt cười trong chiều thu gió lộng
Dẫn hồn ta đến xứ sở ngọt ngào.

CÓ MỘT THỜI VẪN NHỚ ĐẾN NÔN NAO

YÊU EM RỒI










YÊU EM RỒI
Thơ: Hoàng Minh Tuấn

HÈ về rồi em ơi có biết
NÀY em còn tha thiết nhớ mong
CÓ say tình thắm môi hồng
BIẾT lòng anh chỉ nhớ mong một người
BAO ngày rồi anh luôn chờ đợi
ĐÊM từng đêm cứ mãi nhớ em
Ôn bài sao mãi cứ thèm
THI cho nhanh chóng cùng em tìm về
CÒN thương nhớ đê mê cuồng dại
NHỚ về em say mãi nồng say
MÔI em cười, lòng anh say
MỀM làn tóc xoã tung bay cuối đường
MẮT ai gói khoảng thương trong đó
AI cho anh nồng ấm từng đêm
HÈ NÀY CÓ BIẾT BAO ĐÊM
ÔN THI CÒN NHỚ MÔI MỀM MẮT AI
Hà nội, 3/6/2018

TÂM KHÚC ĐÔNG





Giận lòng bởi chút quạnh hiu
Đêm chong mắt đợi
chưa tròn xoe con mắt
Lồng ngực người căng no....
Phút chốc hoa cỏ dậy mê hồn
Môi thơm chúm chím
Khúc nguyệt cầm thắm lòng thiếu phụ
Cửa ngõ vào xuân như quên hết một  mùa đông

Tưởng chừng khúc đêm chênh chao như một thời lâng lâng tóc gió
Khuy thôi cài ....lồng lộng em một mơ hoa
Bỏ mặc vòm khuya ta như bóng trăng trộm nhìn dáng ngọc
Đâu chỉ có mùa đông lãng đãng trong nhau...một bận lòng chưa qua

Em giữa cuốn trôi nhau mùa gọi người tay níu
Giữa bóng ngàn lau còn cháy mãi môi nào
Em buông thả câu ru ....tình như thôi hóa thạch

Vời vợi quên niềm đau mùa hôn phối chưa hết hư hao.

                                                           Thơ Hoàng Chẩm


VỀ LẠI TRƯỜNG XƯA



Ta về thăm lại trường xưa

Tiếng cô thầy ngỡ như vừa hôm qua
Bao nhiêu kỉ niệm đã xa
Rưng rưng nỗi nhớ vỡ oà tháng năm.

Ước gì còn tuổi mười lăm

Để rồi vin ánh trăng rằm thả thơ
Ước gì còn mộng còn mơ
Hồn treo ngọn gió vu vơ sân trường.

Tưởng như chuyện cũ còn vương

Ngỡ như năm tháng còn thương vẫn chờ
Lần theo dấu vết ấu thơ
Trống trường thuở ấy bây giờ còn vang.

Rưng rưng chạm phải gốc bàng

Giật mình kí ức ngỡ ngàng vụt bay
Cả thời hoa đỏ ngủ say
Ta về đánh thức chuỗi ngày xa xôi.

Chiều nay phượng tắt lâu rồi

Bâng khuâng ta với một tôi về trường.

Thơ Nguyễn Lan Hương


Khu du lịch Tràng An cổ - nơi khởi nguồn cho những vần thơ



Tôi đến Tràng An vào một ngày đầu xuân, tiết trời se se lạnh. Vì đang là dịp nghỉ lễ nên du khách khá đông. Có một chút thất vọng khi cậu hướng dẫn viên du lịch thông báo “hết vé thuyền thăm quan khu du lịch Trành An mới”. Sau một hồi nghe cậu hướng dẫn viên phân tích, đoàn chúng tôi quyết định chuyển sang khu Tràng An cổ.
Xe vừa dừng lại nơi bến đò chúng tôi đã bị thu hút bởi cảnh đẹp nơi đây. Một vùng mây nước yên bình đến lạ lùng. Khác với khu du lịch Tràng An mới, khu Tràng An cổ ít nhộn nhịp hơn. Có lẽ chính vì điều đó mà chúng tôi cũng được các nhân viên ở đây tiếp đón rất tận tình. Chỉ khoảng 15 phút sau khi xuống bến chúng tôi đã lên thuyền đi thăm quan khu thắng cảnh cùng một chị hướng dẫn viên duyên dáng trong tà áo dài.  Chị chỉ cho chúng tôi những đặc điểm nổi bật nhất của khu thắng cảnh kèm theo những câu chuyện thú vị. Trên hành trình khám phá, chúng tôi được viếng thăm các di tích lịch sử dưới triều Đinh – Tiền Lê như Giếng Rồng, giếng Giải Oan, nơi lưu giữ những đồng tiền và mảnh gốm cổ. Ngồi thuyền dọc trên dòng Sào Khê khoảng 5 km, chúng tôi thả hồn vào cảnh sắc thiên nhiên nơi đây, cảm nhận cảnh đẹp hữu tình với núi non sông nước của vùng lõi của kinh đô Hoa Lư xưa như: Đệ nhất Xuyên Thủy Động Hang, Núi Trạng Nguyên, núi Hòm Sách núi Ghềnh Tháp,..
Chị hướng dẫn viên rất chuyên nghiệp,  đặc biệt chị có giọng hát khá hay. Chúng tôi vui vẻ cùng tham gia vào các tiết mục văn nghệ do chị tổ chức. Nhìn mọi người cười vui tôi biết chuyến đi của chúng tôi đã thành công.
Một cảm xúc mãnh liệt dâng lên trong tôi, và những vần thơ ra đời

Bến Tràng An
Tác giả: Nguyễn Lan Hương

Thuyền lướt sóng mây ngàn theo không kịp
Bến Tràng An mải miết cánh chim bay
Mái chèo khua mặt nước sóng sánh đầy
Nghe gió hát khúc miên ru thuở trước.

Núi bên núi lặng yên soi bóng nước
Hồ nối hồ xanh biếc mặt gương trong
Hang luồn hang thuyền nhẹ lướt theo dòng
Nghe núi kể chuyện ngàn năm của đá.

Sông Vân lắng chiều Tràng An yên ả
Ngọn Thúy sơn nâng đỡ cả triền mây
Tiếng em cười đánh thức cả chiều say
Tôi tỉnh giấc thả hồn phiêu cùng gió.
LHN
Tràng An, 1-1-2018

Chuyện chưa kể đằng sau bức ảnh O du kích nhỏ


Bức ảnh huyền thoại

Năm 1966 sau khi xem bức ảnh O du kích nhỏ được trưng bày trong triển lãm ảnh toàn quốc nhà thơ Tố Hữu đã viết bốn câu thơ:
"O du kích nhỏ giương cao súng
Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu
Ra thế! To gan hơn béo bụng
Anh hùng đâu cứ phải mày râu!".
"O du kích nhỏ" là tác phẩm ảnh đen trắng khổ dọc của nhà báo Phan Thoan (nguyên phóng viên Báo Hà Tĩnh). Bức ảnh miêu tả nữ dân quân đội mũ cối, hai tay bồng súng, áp giải một phi công Mỹ to lớn hơn cô rất nhiều.Hình ảnh một cô gái nhỏ bé bước đi hiên ngang bên cạnh một người lính Mỹ bị còng tay đầu cúi thấp đã gây tiếng vang lớn. Bức ảnh được xem là nguồn động viên quân và dân miền Bắc chống lại chiến tranh phá hoại của không lực Mỹ. Hai nhân vật trong bức ảnh là nữ du kích Nguyễn Thị Kim Lai (ngày đó 17 tuổi, trú xã Phú Phong, Hương Khê, Hà Tĩnh) và phi công Mỹ William Andrew Robinson (22 tuổi).

Chuyện kể về O du kích

O du kích Nguyễn Thị Kim Lai ngày xưa giờ đã hơn 70 tuổi, sống cùng con cháu tại ngôi nhà cấp bốn trong hẻm ở đường Xuân Diệu, phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh). Là con út trong gia đình có 4 anh em ở xã Phú Phong (Hương Khê). Năm 1965 giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, Hà Tĩnh thời điểm đó liên tục bị máy bay Mỹ thả bom, gầm rú ngày đêm, nhiều tuyến đường huyết mạch qua đây bị chia cắt, làng mạc tiêu điều. Như bao người con gái khác bà Lai, lúc đó mới học hết lớp 7, đã vào đội dân quân tự vệ của xã, tham gia trực chiến, đào hầm.
Sáng 20/9/1965, hàng chục máy bay Mỹ thả bom xuống cây cầu thuộc xã Lộc Yên, một chiếc bị trúng đạn bốc cháy, ba phi công nhảy dù xuống vùng núi Hương Khê. Bà Lai kể, 9h hôm sau, khi đang cùng dân quân tìm kiếm phi công Mỹ tại cánh rừng ở xã Hương Trà, bà phát hiện ở hốc đá cách mình khoảng vài mét có tiếng động. Tiến lại gần, bà thấy một phi công đang ngồi co ro, vẻ sợ hãi. Bà bắn liền ba phát súng chỉ thiên và anh ta giơ tay đầu hàng.
Nghe tiếng súng, mọi người chạy đến khống chế, trói tay phi công. Vài ngày sau, những phi công còn lại cũng bị bắt.
Lúc ấy bà Lai cao 1,47m, nặng 37kg, còn phi công William Andrew Robinson cao 2,2m, nặng 120kg. Vì bà là người phát hiện đầu tiên, cũng nhỏ nhất trong tiểu đội, nên mọi người đã để bà cầm súng giải phi công Mỹ về huyện. Trên đường về, nhà báo Phan Thoan đã chụp lại khoảnh khắc đó.

Chuyện về những con tem thư mang hình bức ảnh O du kích nhỏ

Năm 1967, bức ảnh được đưa lên tem thư của Bưu điện Việt Nam nhân dịp máy bay thứ 2.000 của Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc. Con tem này đã được gửi đi 167 nước, gồm cả Mỹ.
Trong những lần trả lời truyền thông, nhà báo Phan Thoan kể, ngày đó ông là phóng viên chiến trường, được giao nhiệm vụ bám sát địa bàn huyện Hương Khê. Khi nhận tin dân quân bắt được giặc lái Mỹ, ông đạp xe hơn 10km, tới chụp bức ảnh trên. Bức ảnh sau đó được đăng trên nhiều tờ báo trong nước và quốc tế.
Ngày bức ảnh lên tem, bà Lai thành nổi tiếng. Nhiều đoàn công tác tìm tới nơi bà đang phục vụ chiến đấu để trò chuyện, phỏng vấn lấy tư liệu. Một số nhà báo nước ngoài do không tìm được bà Lai, cho rằng bức ảnh bị dàn dựng. Sau này khi có đài quốc tế làm phim về bà, họ mới tin.
Sau thời gian dài công tác trong quân ngũ, bà Lai đi học nghề y tá, năm 1977 về làm ở Viện Đông Y Hà Tĩnh, lập gia đình, sinh hai gái, một trai. Phi công William Andrew Robinson bị bắt làm tù binh, giam giữ 2.703 ngày, đến tháng 12/1973 được trả về nước.

Cuộc gặp gỡ sau 30 năm của những người ở hai bên chiến tuyến

Năm 1995, đạo diễn Lê Mạnh Thích của Xưởng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đến gặp, ngỏ ý muốn bà hợp tác làm bộ phim "Cuộc hội ngộ sau 30 năm", do hãng truyền hình NHK (Nhật Bản) tài trợ. Phim có phân cảnh bà và Robinson gặp lại nhau. Bà Lai nhận lời. Vào  ngày tháng 9/1995, đang bế cháu ngồi chơi bên nhà hàng xóm, bà nghe tiếng gọi: "Bà Lai ơi, về đi, có người nước ngoài tới hỏi thăm". Tất tả đi về, bà thấy người đàn ông cao lớn đứng ở cổng, sau phút định thần, bà thốt lên: "Anh Andrew Robinson".
Sau những cái ôm mừng gặp mặt, cả bà Lai và Robinson chia sẻ, từ giây phút giáp mặt năm 1965, họ đã nghĩ sẽ không bao giờ gặp lại. Hai người lính ở hai đầu chiến tuyến năm xưa gặp lại nhau như bè bạn. họ kể cho nhau về cuộc sống về con cái. Và họ đều chia sẻ về ước muốn có một cuộc sống hòa bình để khong bao giờ có bức ảnh như vậy lần thứ hai.
Tác giả Nguyễn Lan Hương


Thursday, December 13, 2018

THÁNG MƯỜI HAI





Tháng Mười Hai gió bấc lùa ngang cửa.
Khóm trúc gầy sương phủ áo choàng đông.
Để cho ai phai nhạt sắc má hồng.
Thấy bâng khuâng mơ vòng tay sưởi ấm.


Tháng Mười Hai tím chiều thương phủ thẫm.
Gót hài xinh chầm chậm lối quen về.
Cơn gió mùa mang cái lạnh tái tê.
Lùa giá buốt xuyên màn đêm hờn lẫy.

Tháng Mười Hai trăng cuối mùa ngủ ngái.
Đóa hương Quỳnh e ngại nở cánh xinh.
Nụ hôn yêu trong giây phút tự tình.
Để tim nhỏ cứ chông chênh đến lạ.

Tháng Mười Hai thấy bồi hồi trong dạ.
Mưa nhạt nhòa trên ngõ vắng chiều nay.
Để ai về lấm tấm tóc mây bay.
Tháng Mười Hai ...
Xuyến xao đầy nỗi nhớ...!!!

Giọt Mưa Thu
Hà Nội 13/12/2018