Sunday, December 30, 2018

CHUYỆN TÌNH LƯƠNG - HẢI

CHUYỆN TÌNH LƯƠNG - HẢI
Truyện ngắn: Bùi Vĩnh Chuyên

 Vui quá, mấy hôm nay trong tâm hồn Hải như có mây bay gió thổi. Như có vị cà phê ngọt ngào và những cánh rừng cao su lộng gió. Lúc nào Hải cũng thấy có những bản tình ca thánh thót trong tim chàng. Hải hồi hộp chờ mong, Hải đang sống lại tuổi đôi mươi và hân hoan như ngày đầu mặc áo lính ngồi trên mâm pháo chờ máy bay địch vào tầm ngắm rồi nhả đạn.
 Tin về trường Đại học Nông nghiệp I cho lớp Hải được về thực tập tại nông trường Tây Hiếu tỉnh Nghệ An đã làm cho Hải vui biết chừng nào. Vậy là đã mười hai năm rồi, kể từ ngày chia tay bạn bè vào nông trường Tây Hiếu, giờ có dịp gặp lại vui không sao tả xiết.
 Nhớ lại những năm đánh Mỹ, mùa xuân 1968 đơn vị pháo cao xạ của Hải được điều về bảo vệ thành phố Vinh và đóng đại bản doanh trên những quả đồi gần nông trường Tây Hiếu. Chiến tranh là vậy, khốc liệt nhưng mà vui. Vì chính nơi đấy mọi giá trị cuộc sống con người mới trở nên vô giá. Hàng ngày cứ mỗi lần báo động, lính pháo và dân quân tự vệ lại kề sát bên nhau nhả đạn vào đầu thù. Những mệnh lệnh, những nụ cười, những loạt đạn căng xé trên bầu trời thành Vinh là những kỷ niệm để đời cho Hải, mãi mãi không bao giờ quên. Và như một sự ngẫu nhiên, trái tim Hải (một người lính, một thi sĩ đồng quê) đã được nhiều bạn gái nông trường Tây Hiếu để ý.
 Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hưng Yên, quê hương của nhãn lồng nổi tiếng. Phải chăng hương vị ngọt ngào của nhãn lồng Hưng Yên chính là sự kết tinh của các vị phù sa vùng đồng bằng Bắc Bộ đã được ngưng đọng mấy nghìn năm. Mùa nhãn chín, nơi đay vui như hội. dân khắp nơi đổ về mua nhãn (thời bấy giờ cây nhãn chưa được trồng đại trà như ngày nay). Tuổi thơ của Hải cũng như bao bạn bè trang lứa. Cũng chăn trâu cắt cỏ thả diều, cũng đánh dậm nuôi chim câu cá, bẫy đèn châu chấu…. cũng lam lũ tối ngày. Song chính những năm tháng ấy, Hải chỉ có ước mơ duy nhất là lớn nhanh để đi bộ đội, trực tiếp cầm súng bắn vào đầu thù. Hàng ngày nhìn máy bay địch ném bom xuống thành phố và làng quê yêu dấu, lòng Hải đau thắt lại. Hải mong sớm được mặc áo lính và ngồi trên mâm pháo bắn máy bay địch.
Và ngày đó đã đến, đầu năm 1968 Hải đến tuổi tòng quân. Hải viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Đơn của Hải được điểm chỉ bằng máu trên ngón tay Hải. Hôm tiễn chân con ra tận huyện để đi bộ đội. Bố Hải nghẹn ngào nói: “nhớ giữ gìn sức khỏe con nhé, truyền thống quê mình anh hùng lắm đấy…”
*    *
*
Rồi tháng năm trôi qua, cuộc đời người lính hành quân không nghỉ. Đơn vị của Hải vừa đi vừa luyện tập vừa chiến đấu. Khi vào đến Nghệ An cũng là lúc  cả dân tộc đang háo hức chờ chiến trường Miền Nam tổng tiến công nổi dậy. Hằng ngày ngồi trực chiến, Hải làm thơ ghi nhật ký về cuộc đời và đơn vị qua những tháng năm trong quân ngũ. Thơ của Hải mộc mạc, bằng bút pháp tự sự giản dị, song chính những bài  thơ ấy đã làm tăng thêm cho những đêm giao lưu  văn nghệ nông trường Tây Hiếu và đơn vị pháo phòng không. Hải biết đã có vài cô gái để ý đến Hải. Song Hải nghĩ: hãy để tình yêu sang một bên, điều quan trọng nhất của người lính lúc này là đánh Mỹ.
Hôm chia tay nông trường Tây Hiếu để tiếp tục vào Nam chiến đấu, Hải đọc nhiều thơ lắm. Phần lớn là thơ nhớ bố mẹ, quê hương bạn bè, ca ngợi anh chị em nông trường Tây Hiếu ngày đêm vất vả làm ra của cải vật chất góp phần cho miền Nam đánh Mỹ. Đêm giao lưu văn nghệ đấy là kỷ niệm nhớ đời của Hải. Sau khi đọc thơ Hải được nhiều người tặng hoa (chủ yếu là hoa rừng) rồi bất giác Hải thấy một cô gái lắm chặt tay Hải, một bó hoa sim mới ngắt và một chiếc khăn thêu đôi bồ câu tặng Hải và nói: “Anh nhớ làm thơ tặng em nhé”. Hải xúc động, lần đầu tiên Hải thấy tim mình đập mạnh. Cái cảm giác thần tiên ấy đã đi theo hết cuộc đời của Hải. Anh bình tĩnh lắm mới nói được câu “Cám ơn em...”. Đêm ấy Hải không sao ngủ được, phần vì phía trước là cả một cuộc đời người lính vào sinh ra tử; phần vì nhớ bố mẹ, quê hương bạn bè; và lại nhớ Lương cô bạn gái như một bông hoa rừng xứ Nghệ vẻ đẹp đến tinh khôi thuần khiết... Hải thức trắng đêm, ngồi dưới gốc cao su ngắm những ngôi sao đổi ngôi phía chân trời xa thăm thẳm, ngắm biển Cửa Lò với những đợt sóng khơi xa và những con thuyền như hiện hữu của một thời bình yên. Hải thầm nghĩ “Lương anh sẽ yêu em mãi mãi, nhớ chờ anh ngày chiến thắng...”.
Lương cô gái Nghi Lộc thị xã Cửa Lò bình dị như bao cô gái khác. Nhà Lương nghèo  bố mất sớm, bốn mẹ con nuôi nhau. Năm 16 tuổi Lương đã vào nông trường Tây Hiếu để lao động, phần vì giảm bớt gánh nặng cho mẹ, phần vì có tiền gửi về nuôi các em ăn học.
Lương sống giản dị kín đáo, nhưng trời  cho Lương có nước da trắng mịn và giọng hát quyến rũ lòng người. Những buổi chiều chị em ra suối tắm bảo Lương hát. Tiếng hát Lương cất lên giữa vạt nắng vàng lung linh huyền ảo, giữa tiếng suối róc rách trong veo của núi rừng xứ Nghệ như bản tình ca đi hết cuộc đời. Sau này Lương nói lại với bạn bè: “mình không hát hay được như những ngày ở nông trường Tây Hiếu nữa”.
Từ khi quen Hải tâm hồn Lương như có cánh bay, có điểm tựa, có giấc mơ đẹp đầy hoa thơm và quả ngọt. Lương nhìn đâu cũng thấy đẹp: từ những dãy nhà tập thể, từ ngọn thông non tơ, từ quả đồi cà phê trĩu nặng, từ bát ngát những cánh rừng cao su bất tận, từ bạn bè vui vẻ ngày đêm. Mối tình đầu là vậy vừa thật vừa ảo, nó như một báu vật cho tuổi yêu đương. Rồi Hải và Lương đã gìn giữ nâng liu dâng hiến tất cả. Trái tim một chàng trai đất Bắc đã nằm trong vòng tay âu yếm của một thiếu nữ miền Trung xinh đẹp mà chiếc cầu nối chính là đơn vị pháo cao xạ phòng không và nông trường Tây Hiếu.
Chiến tranh thật khủng khiếp, trong cuộc hành quân ấy, ai mà biết được ngày trở lại. Đơn vị của Hải vừa đi vừa đánh, niên tục được điều động cho các mặt trận. Trong cuốn nhật ký của Hải. Hải đã sáng tác hơn 100 bài thơ và Hải ghi rõ: Năm 1971 tham gia mặt trận Nam Lào; năm 1972 Hải tham gia chiến đấu ở Đồng Xo Xoài Riêng Campuchia; cuối năm 1972 lại được điều về tỉnh Bình Long,  rồi tỉnh Tây Ninh, tỉnh Long An. Mùa xuân 1975 Hải tham gia mặt trận Xuân lộc chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn... năm 1976 Hải ra quân và tiếp tục trở lại trường đại  học nông nghiệp.
Chiến tranh là vậy, đời lính chiến là vậy, và sau những trận chiến đấu sống còn, dù giữa lòng thành phố hay bên bìa rừng chờ ngày xung trận, Hải lại dở mấy cánh hoa sim và chiếc khăn Lương tặng, Hải hôn chiếc khăn rồi để lên ngực và làm thơ:
Có biết không em từ chiến trường này
Giữa tiếng rền bom pháo chiều nay
Anh vẫn nhớ những ngày xưa ấy
Nhớ những hàng cây trăng sáng ân tình
Em biết đấy đây không là trận cuối
Nên chớ buồn nếu anh hi sinh
Vì như thế mình không tròn nguyện ước
Của buổi chiều nào ta đã hẹn cùng nhau
Nhớ lúc chia tay chiếc khăn em tặng
Giữa một đêm thu trăng sáng bao la
Giờ vẫn mùa thu chiến trường phương xa
Anh vẫn nhớ em vô cùng em ạ!
Đã có lần Hải bị thương, đồng đội cõng anh vài trăm mét. Nhưng khi viết thương lành khỏi, Hải lại xung phong ra mặt trận chiến đấu. Hải đã vượt qua tất cả. Bố mẹ quê hương và đặc biệt Lương là nguồn động viên vô tận cho Hải. Trái tim người lính đấy, thi sỹ đồng quê ấy, vẫn vui cười vẫn hát ca, vẫn làm thơ cùng đồng đội. Dù giữa thành phố bụi bay mù mịt, khói súng dày đặc, hay dưới tán rừng cây xăng lẻ của dãy Trường sơn; hay dưới những bóng mát rặng cây thốt lốt nước bạn, Hải vẫn đọc thơ và hân hoan chờ ngày chiến thắng. Hải làm gần 100 bài thơ tình tặng Lương, thơ của chàng là sự khát khao, sự đam mê, sự cháy bỏng của mối tình đầu; sự yêu đương mãnh liệt của một chiến sỹ giải phóng quân với một nữ công nhân nông trường miền trung lộng gió. Dù đi bất cứ nơi đâu, những lúc căng thẳng nhất Hải lại dở chiếc khăn và những cánh hoa sim ra xem rồi đặt lên ngực, Hải như thấy có giọng hát của Lương, những giai điệu ví dặm mượt mà thánh thót ấm áp bên tai Hải. Hải dành cho Lương tất cả, thậm chí cả một nụ cười tình Hải cũng không dành cho bất cứ ai. Hải vẫn thấy hơi thở của Lương, nụ cười của Lương và hương hoa của người con gái xứ Nghệ, nó là hành trang trên mỗi chặng đường hành quân đánh giặc.
Còn Lương sau đêm văn nghệ ấy. Lương không biết Hải đi đến đâu, còn sống hay đã hi sinh. Nàng ít nói bần thần và chờ đợi, nàng nhớ lại những lúc tiếp đạn, những lúc mang hoa quả cho khẩu đội của Hải, bắt gặp nụ cười cái nhìn tình cảm của Hải vui biết nhường nào. Rồi những đêm trăng hò hẹn dưới rừng cao su rủ mát tâm hồn đôi bạn trẻ, ngắm cà phê mùa hoa nở rộ, hay giặt quần áo cho nhau bên dòng suối trong xanh ,nhớ những lúc hai người vào rừng nhặt hạt cà phê do con chồn thải ra làm một thứ cà phê đặc biệt... cứ thế như hiện nguyên hình trước mắt Lương. Lương như vẫn còn sờ thấy, nhìn thấy. Rồi những nụ hôn đầu, nắm tay nhau suốt đêm miền trung nắng gió, ngắm sao trời bên biển Cửa Lò... tất cả như vẫn còn ở đây, ở nông trường Tây Hiếu, vẫn hiện hữu đầy đủ, viên mãn và ngọt ngào đến tận hôm nay. Mối tình đầu là thế. Vậy mà đã hơn mười năm rồi nàng không nhận lời yêu của bất cứ ai, nàng cứ âm thầm chờ đợi, chờ đợi mãi thôi thật diệu kỳ.
*    *
*
Chiều thu năm 1979 chiếc xe ô tô chở sinh viên trường đại học nông nghiệp I về nông trường Tây Hiếu thực tập, đỗ ngay trước dãy nhà tập thể. Hải ngơ ngác nhìn hồi hộp vui không sao tả siết. Nông trường Tây Hiếu giờ đã thay đổi nhiều, một dãy nhà tập thể khang trang mới xây dành cho đội ngũ công nhân trẻ và những đôi nam nữ mới cưới nhau. Trên những sường đồi nhiều nhà ngói xinh xắn mọc lên, sân bóng đá, sân bóng chuyền, nhà luyện tập thể dục thể thao, khuôn viên cây xanh, vườn hoa công cộng... Một không gian hoàn hảo vui đến lạ thường.
 Hải vừa vui, vừa hồi hộp anh đi tìm Lương. Hỏi mãi mới biết Lương vẫn ở đây và làm cô giáo nuôi dạy trẻ. Hải chạy đến trường mẫu giáo. Trời ơi Hải không tin vào mắt mình. Lương giờ đây xinh đẹp và già dặn hơn nhiều. Như phản xạ tự nhiên, Hải gọi to: Lương. Lương vội chạy ra cô ôm chầm lấy Hải:
- Anh! Em chờ anh mãi.
Rồi Lương khóc, những giọt nước mắt đã chờ đợi mười hai năm giờ đã lăn trên má Lương, nước mắt dành cho ngày gặp lại.
Đêm ấy dưới gốc thông già, họ trau nhau những nụ hôn như thủa ban đầu. Đôi uyên ương lúc cười lúc khóc, lúc nói luyên thuyên. Hải thì say sưa kể về cuộc hành quân mười hai năm qua ba đất nước. Bị thương nhiều lần và lúc nào cũng nhớ yêu Lương. Còn Lương thì nói về những kỷ niệm đi khai phá vùng đất mới và những mùa bội thu về cà phê của nông trường Tây Hiếu. Mười hai năm cũng ngắn với một đời người, nhưng thật dài với tuổi thanh xuân, vậy mà Lương vẫn chung thủy chờ Hải. Nhiều chàng trai tỏ tình với Lương, nhưng Lương không nhận lời yêu ai, Lương nói e đã có chồng. Như định mệnh của trời đất, như niềm tin chiến thắng, như số mệnh đã định, Lương cứ chờ, chờ vào niềm tin mãnh liệt vô bờ. Giờ thì Hải đã ngồi đây, tiếng nói hình hài tình yêu chung thủy, hơi ấm người lính năm xưa vẫn còn nguyên vẹn. Lương nghĩ cuộc đời thật có hậu, cái gì đến rồi sẽ đến. Người ta nói đồ vật tốt khi mới, người tốt khi cũ, giờ thì tình yêu Lương với Hải càng đậm đặc chín muồi, nó như hoa nở trên cành dần dần thành quả chờ đến ngày chín mọng. Họ ngồi như thế đến lúc trăng lên, đến các vì sao xa xăm đi ngủ. Hương cà phê, gió gieo trên ngọn thông và vòm lá cao su như du dương cùng họ, như bù lại những tháng năm chờ đợi nhớ nhung. Đôi uyên ương đang sống trong những ngày hạnh phúc, của nắng gió miền Trung, đang mộng mơ về một tổ ấm gia đình sau ngày xa cách.
Ngày đó đã đến. Mùa thu 1980 họ cưới nhau. Một ngôi nhà nhỏ ra đời. Sau ngày cưới Lương vẫn làm cô giáo nuôi dạy trẻ còn Hải xin vào nông trường Tây Hiếu làm công tác kỹ thuật. mười năm ở nông trường Lương Hải đã sinh  ba người con trai , cuộc sống cũng khá dần lên, họ đã mua được xe máy xây nhà. Song đời sống vẫn chật vật. Một hôm Hải nói với Lương:
- Em à, chúng mình ở đây cũng tốt lắm, nhưng hôm anh về tết mấy ông bác anh bảo đi  Quảng Ninh làm kinh tế mới còn khá hơn nhiều. Họ bảo Quảng Ninh là một nước Việt Nam thu nhỏ, cái gì cũng có và các huyện miền đông Quảng Ninh đất rộng người thưa, ở đấy đất rừng biển đều gần. Gia đình mình lại có kinh nghiệm trồng cây chắc sẽ làm ăn được. Hải nói tiếp:
Đi thôi em, cuộc đời anh cũng chinh chiến khắp nơi rồi mà, không sợ chết đâu, lại mấy đứa con mình cũng lớn rồi,  có các bác giúp đỡ, dân ở đấy cũng tốt lắm, lãnh đạo địa phương thì quan tâm chu đáo họ tạo điều kiện cho những người đi khai hoang. Anh nghĩ kỹ rồi nơi chúng ta đến là xã Quảng Thành huyện Quảng Hà. Đất lành chim đậu em à.
Mãi sau Lương nói:
- Anh à, ở đây cũng được mà.
Mấy hôm sau bạn bè đến bàn bạc cùng Hải kỹ lắm. Nhưng Lương vẫn buồn, lần đầu tiên người ta thấy Lương khóc. Phần vì nhớ mẹ các em nhớ quê hương và nông trường Tây Hiếu; phần vì lo lạ nước lạ cái nhưng rồi cả nhà vẫn quyết định ra đi, nhường lại nhà cửa ruộng vườn đồi nương cho bạn bè.
Đến Quảng Thành chính quyền địa phương đã cho mượn nhà kho hợp tác xã để gia đình ông Hải ở tạm. Những năm 1990 ở thôn Hải Đông chỉ có mấy chục hộ dân, phần lớn là dân đi khai hoang. Mà chủ yếu là dân ở Hải Phòng, Hải Dương. Mấy năm đầu gia đình ông Hải vất vả lắm, nhưng được sự giúp đỡ  của địa phương và bạn bè làng xóm dần dần cũng ổn định. Ông Hải nhận ba mươi ha đất lâm nghiệp và vận động nhiều người cũng nhận như ông. Ngày ngày ông Hải cùng chi bộ và các đoàn thể bàn bạc phải thay đổi cách nghĩ cách làm trồng cây gì nuôi con gì  cho năng suất cao. Những năm 2000 ông Hải vừa làm bí thư chi bộ vừa làm ủy viên ban chấp hành hội cựu chiến binh xã ông đã mạnh dạn kết nạp nhiều đảng viên trẻ, sau này họ là cán bộ chủ chốt của xã Quảng Thành.
Một phong trào đi tìm giống mới và hàng chục trang trại ra đời. Giờ nhìn những đồi chè đồi chanh lòng đỏ, đồi cam, đồi nhãn xanh ngút ngàn ông Hải tự hào nói với các con:
- Gia đình mình quyết định ra Hải Hà làm kinh tế mới là hoàn toàn đúng đắn, rồi ông lấy quyển nhật ký trong đó viết hàng trăm bài thơ (phần chính là thơ tặng Lương). Ông viết về những trận đánh khốc liệt các chiến tường ở Việt Nam hay ở nước bạn, viết về những tình cảm chia tay bạn bè giữa cái sống và cái chết.
Ông nhẹ nhàng giao quyển nhật ký cho Trung (con trai cả của ông):
- Trung à! Đây là tài sản của bố, bố giao lại cho các con, cuộc đời của bố và mẹ sinh ra trong chiến tranh khổ lắm, tất cả bố đã viết trong quyển nhật ký này. Bố giao cho con sẽ viết tiếp về quá trình xây dựng và trưởng thành nhé, sau này để lại cho con cháu nó như một bản tình ca mãi mãi không quên của gia đình mình đấy. Tay ông run run mắt ông ứa lệ, mọi người nghẹn ngào. Hôm đấy là một chiều thu 2014, trời Quảng Thành có những cụm mây đên trên bầu trời trong xanh, xa xa dãy núi Trúc Bài Sơn vẫn sừng sững. Ông nói tiếp:

- Thật tuyệt nghị quyết chi bộ đã thành hiện thực, không phải nhà mình mà cả thôn mình, hàng chục quả đồi cam, chanh, nhãn và các thứ cây ăn quả khác đã  đến mùa thu hoạch... thật sung sướng vô cùng.
Rồi ông cười:
- Chiều nay các con giết gà để bố khao cả nhà, nhớ mời chú Duy Phó Chủ tịch HĐND xã và mấy ông bạn của bố đến dự nhé.
Ông nói tiếp:
- Bố mẹ sinh ra bốn anh em (ba đứa sinh ở Nghệ An một đứa sinh ở Quảng Thành).
 Nhà mình có ba mươi ha đất đồi, bố cho hai em của bố 15 ha còn 15 ha bố giao cho con Trung và con Hiếu, bố định con Quyết đi làm nghề biển, con Trí đi làm công ty lập nghiệp. Có như thế mới phát triển toàn diện. Hôm bố lên huyện họp nghị quyết huyện Hải Hà đề ra. Sau này huyện Hải Hà phát huy thế mạnh là công nghiệp cảng biển và du lịch. Nhà mình cũng thế các con phải phát triển toàn diện.
Cả nhà vỗ tay như hội. Đêm ấy ông Hải không sao ngủ được, vui về phía trước là một viễn cảnh một bức tranh thật hoàn hảo của gia đình ông. Mấy hôm sau ông mời bạn bè hội cựu chiến binh xã đến nói truyện hàn huyên. Những ngày sau đó người ta thấy ông Hải ít đi ra khỏi nhà, bệnh đau đầu của ông lại tái phát, vết thương trong chiến tranh đang hành hạ ông. Rồi đúng sáng ngày 24 tháng chạp năm 2014 ông bảo gia đình ông lên huyện sắm hàng Tết. Khi đi đến cuối xã tự nhiên mắt ông hoa chóng mặt, ông ngục ngã xuống bên lề đường, người ta vội vàng đua ông vào bệnh viện huyện. Bà Lương con cháu và bạn bè thật bàng hoàng. Bà Lương biết nhiều lần ông đau đầu nhưng vì gia đình gia đình lúc nào cũng bận cũng no toan cho lên chưa cho ông đi chữa được, một mảnh đạn vẫn còn găm trong đầu ông. Ông còn bảo với bà Lường “khi nào có điều kiện bà đưa tôi đi chữa nhé”. Giờ các con còn bé quá.
Ngồi bên chồng bà Lương nức nở:
- Anh ơi đừng chết nhé, các con mình đã trưởng thành. Anh sống để chúng nó còn chăm sóc chứ, cây đã ra hoa kết trái mà.
 Ông Hải nắm chặt tay vợ:
- Em có giận anh không, anh không đi hết cuộc đời cùng em Lương ơi.
- Sao anh nói thế, anh bảo chúng mình sống với nhau tròn 100 tuổi mà.
- Muộn rồi em ạ. Anh bị thương sống như vậy cũng nhiều rồi mà.
- Trời ơi! Anh phải sống vì vợ, vì con vì mọi người anh ơi.
Rồi ông giơ tay lên trước ngực như muốn nói một điều gì (anh chưa bàn giao sổ sách cho hội cựu chiến binh xã).
- Các con chúng mình đến hết cả chưa.
- Bà Lương nói không lên lời:
- Tất cả con anh nội ngoại các cháu ở đây cả rồi!...
Ông ra đi vào giờ tỵ ngày 24 tháng chạp năm 2014 thọ 67 tuổi. Hôm sau người ta mai táng ông trên một quả đồi đẹp nhất thôn Hải Đông xã Quảng Thành. Bà Lương để trên mộ ông chiếc khăn tặng ông ngày vào Nam chiến đấu. Bà khóc rũ rượi nói không thành lời “GIỮ LẤY ANH NHÉ”. Mộ ông hướng về quê mẹ, nơi ấy nhãn lồng Hưng Yên vẫn xanh và trĩu quả cũng như những vườn  đồi Hải Đông đang tuổi xuân thì.
 Hải Hà tháng 7/2018

No comments:

Post a Comment

Cảm ơn bạn đã nhận xét